Danh mục

KỶ NIỆM 75 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SĨ VIỆT NAM ( 27/7/1947 – 27/7/2022)

KỶ NIỆM 75 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SĨ VIỆT NAM ( 27/7/1947 – 27/7/2022)

Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7) là một ngày lễ kỉ niệm được tổ chức hằng năm nhằm tri ân công lao của những người thương binh, liệt sĩ trong cuộc chiến giành độc lập, bảo vệ tổ quốc. Là một biểu hiện của truyền thống uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa qua đó tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ về lòng biết ơn đối với những người đã có công với cách mạng.

Hôm nay, nhân lễ kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh liệt sĩ hãy cùng Chợ Ghế Massage tìm hiểu về lịch sử hình thành nên ngày lễ đáng kính của người dân Việt Nam này nhé!

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa được ra đời. Nhưng nhân lúc bộ máy của Việt Nam còn đang trong đà xây dựng, chưa có nhiều bền vững, Thực dân Pháp nhanh chóng đổ bộ vào xâm lược nước ta một lần nữa. Với ý chí kiên quyết “thà hy sinh tất cả, chứ nhất quyết không để nước mất”, nhân dân ta anh dũng chiến đấu. Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến, không thể tránh khỏi cảnh nhà cửa tan hoang, nhiều đồng bào, chiến sĩ ngã xuống, hy sinh xương máu cho độc lập dân tộc. 

Nỗi đau chiến tranh bao trùm lên toàn dân tộc, nhiều người vợ trẻ mất chồng, nhiều đứa con mất bố, nhiều gia đình tan vỡ. Để phần nào xoa dịu nỗi đau mất mát của gia đình các chiến sĩ, đồng bào, Chính quyền Việt Nam đã xúc tiến vận động thành lập một tổ chức, đầu năm 1946, Hội giúp binh sĩ bị nạn ra đời ở Thuận Hóa (Bình Trị Thiên), rồi đến Hà Nội và một số địa phương khác… Sau đó ít lâu được đổi thành Hội giúp binh sĩ bị thương. Và Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu là Chủ tịch danh dự của Tổng Hội.

Tháng 6/1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Hội Phụ nữ cứu quốc, Cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Nha thông tin tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ- Thái Nguyên. Nội dung cuộc họp là thực hiện chỉ thị của Hồ Chủ Tịch chọn ngày kỷ niệm Thương binh Liệt sĩ và bảo vệ công tác thương binh liệt sĩ. Sau khi xem xét, Hội nghị đã nhất trí lấy ngày 27/7/1947 làm ngày Thương binh toàn quốc. Tại cuộc mít tinh ở Thái Nguyên, trước 2000 người dân tham dự, Ban tổ chức đã trịnh trọng đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã gửi tặng một chiếc áo lụa, một tháng lương và một bữa ăn của nhân viên trong Phủ Chủ tịch. Hằng năm vào dịp này, Người đều có thư và quà để gửi đến các anh em thương binh và gia đình liệt sĩ.

Từ tháng 7/1955, Ngày thương binh được đổi thành Ngày thương binh liệt sĩ để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, theo chỉ thị 223/CT-TW ngày 8/7/1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng từ năm 1975, ngày 27/7 hằng năm chính thức trở thành “Ngày thương binh liệt sĩ” của cả nước.

Đảng, Nhà nước ta luôn chú trọng giáo dục ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân và lòng biết ơn sâu sắc của các tầng lớp nhân dân, của các thế hệ đối với liệt sĩ, gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng. Sự cống hiến, hy sinh của họ cho độc lập, tự do của dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân là vô giá, không chỉ cho ngày hôm qua, hôm nay mà cho muôn đời con, cháu mai sau. Việc chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công là nghĩa vụ, trách nhiệm và niềm vinh dự của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và của mọi người, của thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định ý nghĩa cao cả của ngày 27/7, Người nói: bởi vì đó là “một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái, là tỏ ý yêu mến thương binh”. 

Vào ngày này hằng năm, hàng nghìn hoạt động tri ân và tôn vinh các anh hùng liệt sĨ được diễn ra trên khắp cả nước. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi đau về thể xác và tinh thần mà các liệt sĩ, thương bệnh binh và thân nhân của họ phải gánh chịu vẫn là những mất mát không gì có thể bù đắp, những giọt nước mắt vẫn lăn dài trên má mẹ già mong mỏi chờ con ngày trở về. 

Chợ Ghế Massage xin được thắp nén tâm hương tri ân tới các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam ta.

Xin được gửi lời chia buồn sâu sắc tới nỗi đau mà người ở lại đang phải chịu đựng.

Xin được gửi lời cảm ơn các Mẹ Việt Nam anh hùng đã sinh ra những người con anh dũng để đất nước được nở hoa.

Xin được sẻ chia với những nỗi đau khi trái gió trở trời với các thương bệnh binh đã để một phần xương máu của mình ở lại với non sông… 

 


Tư vấn sản phẩm

Quý khách nhập điện thoại để được tư vấn miễn phí nhanh nhất từ AZADO. Chúng tôi sẽ không bao giờ chia sẻ số điện thoại của bạn với bên thứ ba.

    1900866619