SUY GIẢM TRÍ NHỚ VÀ KHẢ NĂNG TẬP TRUNG Ở NGƯỜI MẮC COVID-19? CHỚ COI THƯỜNG
Nhiều bệnh nhân sau hồi phục COVID-19 đang gặp các vấn đề về trí nhớ. Sương mù não hoặc rối loạn chức năng nhận thức là một trong những triệu chứng phổ biến hậu COVID-19.
Bạn có đang cố gắng tập trung vào công việc, quên nhiều thứ, không thể hiểu đầy đủ những gì người khác đang nói trong quá trình phục hồi COVID-19? Nhiều bệnh nhân sau khi bình phục COVID-19 đang gặp các vấn đề về trí nhớ khiến họ rất lo lắng. Sương mù não hoặc rối loạn chức năng nhận thức là một trong những triệu chứng phổ biến.
Trong khi đối với hầu hết mọi người, các triệu chứng này không kéo dài lâu, thì một số người có thể gặp các vấn đề về trí nhớ trong nhiều tháng. Các chuyên gia cho rằng virus SARS-CoV-2 có thể tác động đến não bộ theo nhiều cách.
Nghiên cứu của Đại học Oxford phát hiện người nhiễm nCoV triệu chứng nhẹ vẫn có biểu hiện suy giảm tập trung và trí nhớ từ 6 đến 9 tháng sau mắc bệnh.
Các nhà khoa học thuộc trường Đại học Oxford đã tiến hành nghiên cứu đối với 136 người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 nhưng không mắc các di chứng thường thấy của bệnh COVID-19. Người tham gia được yêu cầu hoàn thành các bài tập để kiểm tra trí nhớ và khả năng nhận thức của họ.
Kết quả nghiên cứu cho thấy trí nhớ của các bệnh nhân này đã suy giảm đáng kể khi phải nhắc lại những trải nghiệm cá nhân – còn được gọi là trí nhớ theo từng giai đoạn – trong khoảng thời gian lên đến 6 tháng sau khi mắc bệnh. Họ cũng bị suy giảm nhiều về khả năng duy trì sự tập trung trong thời gian dài so với những người không mắc COVID-19, tính trong vòng 9 tháng sau khi mắc bệnh.
ĐỂ CẢI THIỆN TÌNH TRẠNG NÀY, BẠN NÊN LƯU Ý NHỮNG ĐIỀU SAU:
– Chia nhỏ công việc để thực hiện, tập trung vào từng việc đang làm, dùng sổ tay ghi chép những hoạt động cần làm, lịch hẹn quan trọng…
– Duy trì thời gian ngủ nghỉ hợp lý, hạn chế ngủ nhiều vào ban ngày hoặc nằm tĩnh tại, khiến cơ thể trì trệ. Khuyến khích người bệnh vận động nhẹ gồm đi bộ chậm, tập thể dục nhẹ, đạp xe đạp rất chậm, tập dưỡng sinh. Hạn chế nhìn vào màn hình điện thoại, thiết bị điện tử liên tục trong ngày.
– Tham gia các trò chơi rèn luyện trí não.
– Chuyên gia cũng khuyến nghị nên thư giãn và tham gia vào các trò chơi giải trí và sở thích khiến người bệnh vui vẻ để trẻ hóa não bộ và bảo vệ khỏi các rối loạn chức năng do căng thẳng gây ra.
– Điều chỉnh môi trường sống: dán nhãn đồ vật để ghi nhớ vị trí, thống nhất vị trí đồ vật, ghi nhắc tại vị trí quan trọng (nhớ khóa gas sau khi nấu, lấy chìa khóa trước khi ra khỏi nhà, rút ổ điện…).
Nếu các triệu chứng hậu Covid-19 kéo dài, gây cản trở đến sinh hoạt và tinh thần, người bệnh cần đến cơ sở y tế có điều trị hội chứng này để được thăm khám và điều trị sớm!